Một thứ gần như phải có trên bàn làm việc khi dùng chuột: lót/pad chuột. Nhưng nhiều người không quan tâm lắm đến yếu tố này, vì nghĩ rằng pad chuột nào cũng như nhau. Nhưng thật ra, có rất nhiều loại pad chuột, với nhiều chức năng khác nhau trên thị trường. Vậy, đâu là sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bạn?
Tại sao phải mua thảm lót chuột?

Không phải góc làm việc nào cũng có những chiếc bàn thật phẳng, hoặc ít nhất là tối ưu cho chuột. Những bề mặt gồ ghề như gỗ nguyên tấm, hoặc kính trong suốt chính là kẻ thù của chuột máy tính. Thế nên, trang bị một tấm lót chuột để triệt tiêu những yếu tố đó là điều rất cần thiết. Ngoài ra, khi có pad chuột chất lượng, các bạn sẽ được dùng hết sức mạnh từ mắt đọc của chuột, và tránh được việc feet (đế cao su) chuột bị mòn đi nhanh chóng.
Trừ pad chuột bằng da, gần như các loại chất liệu khác đều được phủ một lớp cao su, hoặc đính một hay nhiều chân cao su ở mặt sau. Điều này để đảm bảo rằng pad chuột không bị xê dịch trong quá trình “vẩy AWP” hoặc làm việc của người dùng.
Pad chuột cũng được chia ra thành nhiều tiêu chí để lựa chọn. Mình sẽ liệt kê 3 tiêu chí bao gồm chất liệu, độ dài, và giá cả. Các bạn hãy chọn những chiếc pad chuột theo đó để đưa ra lựa chọn phù hợp với mình.
1. Chất liệu
Chất liệu của pad chuột là một thành phần rất quan trọng. Pad chuột là thứ mà chúng ta tiếp xúc rất nhiều. Chúng ta sẽ có 5 chất liệu tương đối phổ biến: vải, nhựa, da, nhôm và nỉ
Vải và nhựa: không ai là không biết.
Đây chắc chắn là hai loại chất liệu phổ biến nhất trong việc làm lót chuột. Với vải, chất liệu này phổ biến trên các pad chuột gaming, đến các pad chuột giá rẻ, nhiều màu sắc và hình ảnh. Trong khi đó, với pad nhựa, thường là những pad cứng và nhám hơn. Cũng như là hiếm thấy hơn một chút

Những loại này sẽ phù hợp với các bạn chơi game, vì có thể tuỳ chọn được mức độ kiểm soát, hoặc tốc độ tuỳ thuộc vào các loại pad, và nó được tối ưu hoá cho việc dùng chuột. Dù vậy, làm văn phòng cũng có thể dùng vì pad chuột loại “xịn” thường được các hãng gaming gear sản xuất, đảm bảo tối ưu cho việc di chuột. Khá buồn là những hãng làm phụ kiện làm việc chưa thật sự nghiêm túc tạo ra một chiếc pad chuột. Nên hiện tại, việc dùng pad chuột gaming để làm việc là một lựa chọn sáng suốt.

Những dòng này thường sẽ có mức giá khá rộng, rơi vào từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Nhiều bạn rất thích pad chuột có hình theo sở thích. Nhưng với mình, một chiếc pad đơn giản là lựa chọn tối ưu, vừa đơn giản, vừa giúp mắt đọc của chuột xử lý dễ dàng hơn. Một vài hãng các bạn có thể tham khảo như Steelseries, Corsair, Logitech, Razer, Glorious…
Da: siêu thân thiện với tay
Một chiếc pad bằng da sẽ là người bạn đồng hành cùng với chuột và tay của bạn. Chất liệu này sẽ cho một cảm giác êm ái và dễ chịu. Như bao vật dụng bằng da khác, sau một thời gian sử dụng, chất liệu da cũng sẽ trở nên bụi bặm, phong trần hơn. Đó cũng là một yếu tố thẩm mỹ mà người dùng khá quan tâm đến.

Thảm lót chuột bằng da thường được làm từ hai chất liệu chính: da bò và da PU. Da bò sẽ có những đặc tính như dày hơn, thơm mùi da, và càng dùng càng sáng hơn. Còn da PU, da PU có nhiều sắc màu, mỏng hơn và nhẹ hơn da bò thật.
Về mức giá, da PU có mức giá dễ chịu hơn nhiều so với da thật. Tuy nhiên, không ít người cũng sẽ cố gắng chi thêm tiền để sở hữu một miếng pad da thật. Đương nhiên cũng khoảng vài trăm nghìn thôi chứ không quá căng thẳng. Nếu quan tâm đến cảm giác dễ chịu và thoải mái khi dùng chuột, đây là một lựa chọn rất tốt cho tay của bạn.
Nhôm: cao cấp có thừa
Chắc chắn rồi, pad chuột bằng nhôm là pad dạng cứng. Nó sẽ có bề mặt nhám một chút, và các viền được gia công rất tinh xảo, thường được vát kim cương để phần viền trở nên bóng hơn nhiều. Nếu chỉ đơn giản là muốn mọi thứ của bạn đều bằng kim loại, thì đây là một lựa chọn khá ổn. Pad nhôm không có phiên bản to, chỉ có phiên bản vừa đủ dùng cho chuột mà thôi.
Mức giá cũng được dao động trong khoảng vài trăm nghìn, tuỳ vào hãng cũng như mức độ gia công bề mặt. Xiaomi là hãng hiếm hoi có bán những chiếc pad bằng nhôm.
Nỉ: chất liệu quen thuộc trên những bộ cánh hằng ngày
Chất liệu nỉ thì không quá xa lạ với mọi người, do nhiều chiếc áo cũng được may bằng loại vải này. Đây là “con lai” giữa len và vải, nên nó có đặc tính là ấm áp như len, cũng như là thấm hút (mồ hôi) rất tốt, và khi làm việc trên một miếng nỉ, nó có một cảm giác dễ chịu trên tay chúng ta, do đây là chất liệu chúng ta được tiếp xúc rất nhiều.

Nhưng ưu điểm ấm áp cũng chính là điểm yếu chí mạng của loại vải này. Ở Việt Nam chủ yếu là thời tiết nóng ẩm, nếu ngồi máy lạnh thì không sao, nhưng không ngồi máy lạnh thì sử dụng thảm lót chuột bằng nỉ là một cực hình. Và với những hãng gia công không tốt, vải nỉ sẽ bị tưa lông vải ra, đây là một kẻ thù khác của chuột. Sợi lông có thể dính vào chuột và cho chúng ta cảm giác không mượt mà, dễ chịu khi di chuột trên loại bề mặt này
Lót chuột nỉ cũng có mức giá dễ chịu, dưới hai trăm nghìn là có thể sở hữu một chiếc rồi. Chiếc pad chuột bằng nỉ sẽ phù hợp với các bạn hay ra mồ hôi tay, ngồi máy lạnh hoặc chỉ đơn giản là các bạn thích cảm giác thân thiện mà loại chất liệu đặc biệt này đem lại.
2. Độ dài các loại thảm lót chuột
Có rất nhiều size cho các loại lót chuột ở trên thị trường hiện nay. Nhưng mình sẽ chia ra thành hai loại chính để có thể dễ dàng hơn trong việc lựa chọn
Pad chuột ngắn
Đây là loại pad chuột theo hơi hướng vuông hơn là chữ nhật. Pad chuột ngắn phù hợp với các bạn chỉ muốn có một chiếc pad bé nhỏ xinh xinh, chỉ để lót chuột mà thôi. Hoặc đơn giản hơn, các bạn di chuyển rất nhiều và cần một giải pháp để bảo vệ chuột, và có trải nghiệm đồng nhất ở tất cả mọi nơi.
Mình đang dùng pad chuột Steelseries QCK Edge Medium, có kích thước 32x27mm. Kích thước này nó khá tương đồng với laptop của mình, nên khi bỏ vào balo để đi ra ngoài đường, mình rất tự tin. Các size của pad chuột ngắn phụ thuộc vào cách các bạn dùng hay “vẩy” chuột, độ to của chuột và tính linh hoạt. Nếu balo của các bạn nhỏ thì nên cân nhắc khi mua một chiếc pad to nhé. Mình thường sẽ để nguyên pad chuột luôn chứ ít khi quấn vào. Và điều cấm kị là gập pad chuột, vì có khả năng chúng sẽ bị “gãy” nhé.
.jpg)
Thảm lót chuột dài
Khác với các loại thảm lót chuột ngắn, loại này sẽ thiên về chiều dài rất nhiều. Mục đích của pad chuột dài là trải dài một khoảng bàn việc của bạn, để bạn có thể lót luôn cả bàn phím và chuột. Điều này sẽ làm cho trải nghiệm khi di chuột và gõ phím thật sự đồng bộ với nhau. Và một điều quan trọng là, bạn sẽ không cảm thấy bị giới hạn, vì phần di chuột đã lan đến tận bàn phím rồi. Pad này phù hợp với những bạn setup bàn làm việc thật đẹp và tối giản. Trải pad, đặt bàn phím và đặt chuột lên, thế là xong.

3. Cứng hay mềm?
Pad chuột nếu chia theo loại này thì cũng có 2 loại thôi, cứng và mềm. Loại cứng được làm từ nhựa và nhôm, trong khi các chất liệu kia sẽ là pad mềm. Thảm lót chuột mềm sẽ phụ thuộc vào bề mặt bên dưới nó. Ví dụ như để lên bàn, bàn là một bề mặt cứng. Có thể hơi sần sùi nhưng chuyện sẽ được giải quyết ngay, nhờ vào một tấm pad chuột. Đương nhiên, khi gặp bề mặt như trên gối, pad mềm cũng bó tay thôi
Pad chuột cứng thì khác, các bạn có để trên nệm để dùng chuột vẫn vô tư, vì nó cứng nên chơi với bề mặt nào cũng được hết. Nhưng nó làm mòn feet chuột nhanh hơn một chút so với pad mềm. Và pad cứng cũng không có bản dài mà chỉ có pad ngắn thôi.
4. Bonus
Ngoài các loại trên, chúng ta còn có hai loại pad chuột khác cũng bá đạo không kém. Một là loại pad chuột có đệm, mục đích để làm cho cổ tay được thoải mái hơn khi di chuột, tuy nhiên điểm yếu là diện tích của pad chuột khá nhỏ, nên phải di chuyển tay rất nhiều.
Và một loại pad chuột “thế giới” nữa, cũng đòi hỏi những con chuột “thế giới” không kém. Điển hình là pad chuột Logitech Powerplay. Pad chuột này sẽ được nối thẳng vào đầu USB để cung cấp một luồng điện trường (cơ chế giống sạc không dây) lên pad, và chúng ta sẽ dùng những con chuột được tương thích và gắn một thiết bị nhận “điện” lên con chuột. Sau đó, chỉ cần con chuột còn nằm trên pad chuột, chúng ta không cần phải sạc pin nữa. Có thể gọi là “pin bất tử”.

5. Giá
Điều này tuỳ thuộc vào sở thích mỗi người mà có những mức giá phù hợp. Tuy nhiên, phổ biến là mức giá rơi vào khoảng 200-400 nghìn đồng thôi. Với mức giá này, các bạn có thể tự tin kiếm một chiếc pad chuột xịn để chơi game hoặc làm việc rồi. Chiếc pad chuột Steelseries của mình hiện tại cũng khá khó kiếm, nhưng nó rơi vào khoảng 350 nghìn. Các bạn muốn mua pad chuột dài của các hãng gaming, có lẽ cần phải bỏ ra thêm một số tiền nữa. Và pad chuột dài sẽ có mức giá chênh lệch khoảng gấp rưỡi so với pad chuột ngắn.
Mình sẽ cho các bạn một vài gợi ý và giá để tham khảo:
Pad chuột trên Shopee: khoảng 60-100 nghìn
Pad chuột nhôm Xiaomi: khoảng 250 nghìn
Pad chuột da Davis: khoảng 200 nghìn
Pad chuột dài DareU: khoảng 200 nghìn
Pad chuột cứng Logitech G440: Khoảng 600 nghìn
Pad chuột Corsair MM200 PRO XLarge: khoảng 600 nghìn
Pad chuột Logitech Powerplay: khoảng 3 triệu.
Tổng kết
Thảm lót chuột có rất nhiều lựa chọn về nhiều tiêu chí, giá cũng thượng vàng hạ cám. Mình mong là qua bài viết này, các bạn đã có một góc nhìn khác về các loại thảm lót chuột. Hãy nhanh chóng chọn ra một chiếc thật phù hợp với bản thân mình, để trang bị cho góc làm việc nhé.
Còn nữa, các bạn đừng quên tham gia group Facebook iSetups để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tham gia minigame và nhận voucher nha!